THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO ? Dù Chúa không là nam hay nữ, ta vẫn có thể hỏi, Ngài như thế nào ? Cựu Ước kể chuyện bụi gai cháy và tiếp đó là những bản án. Ngài nói : « Bởi vì Ta là chúa tể, là Chúa ngươi, là Thiên Chúa ganh tị : Ai thù địch Ta, Ta sẽ truy tội đời cha, đời con đến đời thứ ba, thứ bốn của chúng ». Thiên Chúa ngày nay còn thịnh nộ như xưa, hay Ngài đã đổi khác ? Trước hết, tôi muốn hoàn chỉnh câu trích dẫn. Câu đó như sau : « Ta sẽ phạt tới đời thứ ba, thứ tư, Ta sẽ đổ thứ tha xuống trên ngàn đời ». Ta thấy, qua câu tiên tri này, đã có sự bất cân xứng giữa thịnh nộ và thứ tha. Thứ tha nhiều gấp ngàn lần thịnh nộ, và nếu đọc đầy đủ, thì đây là một câu đong đầy hi vọng. Dù tôi có đáng phạt, dù tôi vấp ngã rơi khỏi tình yêu, tôi vẫn biết rằng, lòng nhân Chúa lớn gấp ngàn lần cơn bực bội của Ngài. Nhưng quả Thiên Chúa của Do-thái giáo và Ki-tô giáo đó cũng tỏ ra thịnh nộ. Cơn giận của Chúa là dấu chỉ cuộc sống sai trái của ta, ta chống lại tình yêu, nghĩa là chống lại Ngài. Ai sống xa Chúa, sống xa sự thiện, kẻ đó đang bước vào thịnh nộ. Ai rời khỏi tình yêu, kẻ đó đang bước vào vùng phủ định. Vì thế, đây không phải cái gì như hành vi của một tay độc tài hám quyền đánh vào người nào đó, nhưng chỉ nói lên cái lô-gích nội tại của hành động. Khi tôi hành động ngược lại ý nghĩcủa tạo dựng, khi tôi tách khỏi tình yêu là nền tảng đỡ nâng tôi, lúc đó tôi rơi vào khoảng không, vào vực tối. Và lúc đó, có thể nói, tôi không còn ở trong không gian tình yêu, nhưng ở trong một không gian mà ta có thể gọi là không gian thịnh nộ. Hình phạt của Chúa không giống như việc mấy ông bà cảnh sát bắt nộp tiền phạt hoặc thích dí người khác. « Chúa phạt » thật ra là một lối nói nhắc nhở về việc lệch hướng sống của ta, và qua đó, ta sẽ nhận thấy hậu quả sai trái của hành động mình. Nhưng làm sao không tránh khỏi cảm giác bị lệ thuộc, hay cả cảm giác bị xỏ mũi, khi đọc câu : « Chúa là đấng tác động í muốn và hành động trong các ngươi ». Đây là Thiên Chúa nào đây, khi Ngài lúc nào cũng bảo, nếu không có Ta thì ngươi không làm được gì hết ? Tại sao Ngài lại không mang lấy trách nhiệm cho ta ? Bởi có ai trong ta ảnh hưởng được gì trên việc có mặt của mình trên mặt đất này đâu. Quan trọng là Giáo Hội trình bày hình ảnh Chúa đủ lớn, và Giáo Hội không gán Ngài với những đe doạ sai trái. Trước đây giáo lýcó đôi chỗ như vậy thật, và ngày nay có lẽ cũng còn sót lại đây đó đôi chỗ. Trái lại, ta phải luôn nhìn Ngài qua Đức Ki-tô và trình bày Ngài như một đấng luôn dẫn ta đi với một sợi dây thật dài. Đôi lúc có người lại bảo, lẽ ra Ngài phải nói rõ hơn cho tôi hay. Có người lại tự hỏi : Tại sao Ngài để tôi quá tự do như thế này ? Tại sao Ngài để cho sự dữ lộng hành và quyền năng như thế ? Tại sao Ngài không ra tay nhiều hơn, sớm hơn ?
|